Hai đại dự án giao thông qua TP.HCM bị “ùn tắc”

Quá trình chuẩn bị kéo dài, thiếu vốn đối ứng là tình trạng mà hai “đại dự án” cao tốc Long Thành – Bến Lức và tàu điện ngầm tuyến số 2 (có lộ trình giai đoạn 1 Bến Thành – Tham Lương) đang gặp phải. Thậm chí, việc thiếu vốn đối ứng còn khiến nhà tài trợ đưa ra cảnh báo “cân nhắc hoãn và huỷ dự án” đối với dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức.

Rất nhiều dự án giao thông quan trọng đang cần vốn đối ứng để triển khai (Ảnh minh hoạ). Ảnh: TL

Theo tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc Long Thành – Bến Lức, hiện dự án đã thực hiện xong thiết kế kỹ thuật, đang thẩm tra hồ sơ thiết kế. Dự án với chiều dài 57,8km (đi qua địa bàn ba tỉnh/thành là Long An, TP.HCM và Đồng Nai) có tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỉ USD, chủ yếu sử dụng vốn vay theo từng giai đoạn.

Cao tốc: nguy cơ huỷ...

Theo trên, giai đoạn 1 vay ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 350 triệu USD và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gần 169 triệu USD. Tuy nhiên, dù hiệp định vay với ADB đã có hiệu lực gần hai năm và hiệp định vay với JICA đã có hiệu lực 16 tháng, song số vốn đã giải ngân và vốn đã trao thầu vẫn dừng lại ở mức… 0 triệu USD!

Sở dĩ có tình trạng này là bởi, phía Việt Nam không có đủ vốn đối ứng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể là, năm 2013, vốn cho giải phóng mặt bằng của dự án này là hơn 1.470 tỉ đồng (khoảng 70 triệu USD) nhưng đến nay mới bố trí được vỏn vẹn... 100 tỉ đồng (khoảng 4,8 triệu USD).

Tại cuộc họp về các dự án vốn vay ADB và ngân hàng Thế giới (WB) cuối tuần trước ở Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) thừa nhận, trong số các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án ODA do bộ này quản lý, thiếu vốn đối ứng phục vụ giải phóng mặt bằng đang là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất. Theo thống kê của bộ này, vốn đối ứng chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu, thêm vào đó, còn được ghi rất chậm, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương.

Điều này khiến ADB từ giữa tháng 4.2013 đã có công văn yêu cầu phải bổ sung vốn đối ứng vào cuối tháng 5.2013. Tiếp đó, ADB một lần nữa “gia hạn” cho bộ GTVT đến hết ngày 30.6 sẽ phải cấp đủ vốn đối ứng. “Nếu không cấp đủ vốn đối ứng, sẽ cân nhắc hoãn và huỷ dự án. Dự án bị huỷ sẽ gây ảnh hưởng đến các dự án đường cao tốc mới”, nhà tài trợ vốn cảnh báo.

Trước tình hình cấp bách đó, bộ GTVT đề nghị bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ Tài chính xem xét bổ sung vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng để kịp thời phục vụ khởi công dự án vào quý 3/2013. Bên cạnh đó, bộ GTVT cũng lo ngại, một tồn tại khác khiến ADB có thể chậm thông qua kế hoạch tái định cư, dẫn đến nguy cơ làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng là bởi hiện nay, dù các địa phương (TP.HCM và tỉnh Đồng Nai) đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tuy nhiên, trong các quyết định phê duyệt lại có một số nội dung khác biệt so với khung chính sách và quyền lợi của dự án đã được (nhà tài trợ) duyệt.

Metro: chậm 18 tháng

Đối với dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 2 (lộ trình giai đoạn 1: Bến Thành – Tham Lương), tổng hợp mới nhất của bộ Kế hoạch và đầu tư (qua báo cáo của bộ GTVT và TP.HCM) cho thấy, một trong những tồn tại lớn nhất của dự án này là quá trình thiết kế cơ sở mất nhiều hơn sáu tháng so với dự kiến và vẫn đang còn đợi phê chuẩn. Điều này đã làm chậm trễ quá trình trao thầu hợp đồng trị giá 700 triệu USD và kéo dài thời gian hoàn thành dự án ít nhất 18 tháng.

“UBND TP.HCM cần chốt lại thiết kế cơ sở và chương trình thực hiện trước 30.6.2013”, nhà tài trợ yêu cầu. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân của dự án có tổng mức đầu tư 1,374 tỉ USD này (trong đó vốn vay ADB là 540 triệu USD, ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 150 triệu euro – tương đương 195 triệu USD; vay ngân hàng Tái thiết Đức – KfW là 240,75 triệu euro – tương đương 313 triệu USD), cũng “mắc cạn” khi tiến độ giải ngân vốn vay của nhà tài trợ chính là ADB chỉ đạt 4,2%.

Sốt ruột trước tiến độ chậm chạp đó, bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đối ứng, đồng thời “cầu cứu” UBND TP.HCM ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án trọng điểm của thành phố này.

CHÍ HIẾU

Nguồn: Sài Gòn tiếp thị

Hai đại dự án giao thông qua TP.HCM bị “ùn tắc” Quá trình chuẩn bị kéo dài, thiếu vốn đối ứng là tình trạng mà hai “đại dự án” cao tốc Long Thành – Bến Lức và tàu điện ngầm tuyến số 2 (có lộ trình giai đoạn 1 Bến Thành – Tham Lương) đang gặp phải. Thậm chí, việc thiếu vốn đối ứng còn khiến nhà tài trợ đưa ra cảnh báo “cân nhắc hoãn và huỷ dự án” đối với dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức.