Được voi lại đòi...
Hiện có khá nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ - CP của Chính phủ. Âu cũng là điều bình thường và cũng hoàn toàn cần thiết trong quy trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là có khá nhiều ý kiến dường như chưa hiểu hết ý nghĩa của Dự thảo Thông tư. Đơn cử, có ý kiến cho rằng, việc NHNN dành 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho cả người tiêu dùng và DN là quá nhỏ mà chỉ nên dùng số tiền này để hỗ trợ cho người tiêu dùng; còn nên có thêm gói tín dụng khoảng 10 - 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN.
Ảnh minh họa
Hiểu như vậy là chưa đúng. Gói 30.000 tỷ đồng này là NHNN hỗ trợ các NHTM thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở thông qua hình thức tái cấp vốn. Trong khi Dự thảo Thông tư quy định rất rõ, 5 NHTM Nhà nước phải dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay theo chương trình này. Và theo ước tính của một chuyên gia, lượng vốn mà 5 NHTM Nhà nước dành cho chương trình này vào tối thiểu cũng phải là 45.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, con số 30.000 tỷ đồng này cũng được NHNN tính toán hết sức kỹ lưỡng vì còn phải cân đối với các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi lạm phát cơ bản của Việt Nam hiện vẫn ở mức khá cao.
Hay như ý kiến đề nghị nên cho vay với thời hạn lên tới 20 năm cũng chưa tính tới một thực tế là cơ cấu nguồn vốn hiện nay của các NHTM chủ yếu là vốn ngắn hạn nên việc cho vay với thời hạn 10 năm đã là một cố gắng rất lớn của các ngân hàng, bởi cho vay càng dài thì rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản càng lớn.
Thậm chí có những ý kiến đóng góp lại chỉ vì một nhóm lợi ích mà không xuất phát từ lợi ích chung của toàn xã hội. Chẳng hạn, Chủ tịch một hiệp hội BĐS có đề xuất khá “lạ” khi cho rằng bản thân các DN BĐS đã chấp nhận bán lỗ nên các ngân hàng cũng nên có sự chia sẻ với chi phí quản lý thấp nhất có thể.
Lạ ở chỗ, theo Dự thảo Thông tư thì phần chênh giữa lãi suất tái cấp vốn của NHNN so với lãi suất cho vay của các ngân hàng chỉ là 1,5%/năm - một con số khá thấp so với mức lãi biên trên thị trường hiện nay và theo tính toán, mức chênh lệch này cũng chỉ đủ để bù đắp chi phí quản lý cho các NHTM.
Hơn thế, mức chênh 1,5%/năm này cũng chỉ dành cho khoản 30.000 tỷ đồng tái cấp vốn, trong khi theo tính toán, lượng vốn mà các NHTM Nhà nước phải dành cho chương trình này là khoảng 45.000 tỷ đồng. Có nghĩa 15.000 tỷ đồng còn lại là từ nguồn vốn huy động với lãi suất cao hơn 6%/năm khá nhiều.
Hơn nữa là vị Chủ tịch hiệp hội trên căn cứ vào đâu để nói các DN BĐS đã chấp nhận bán lỗ. Bởi cứ chiểu theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2012, chỉ có 17.000/55.870 DN xây dựng thua lỗ (30,4%). Một báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nêu rõ, không ít các DN BĐS vẫn găm giá để chờ một sự “giải cứu” từ phía Nhà nước.
Cuối cùng, thị trường BĐS lâm vào tình cảnh hiện nay lỗi chủ yếu cũng do sự yếu kém cả về năng lực tài chính lẫn năng lực quản trị của các DN BĐS chứ đâu phải ngân hàng mà bắt các ngân hàng phải “chia sẻ”. Đó là chưa kể, trong những năm thị trường tăng trưởng nóng vừa qua, nhiều DN BĐS đã thu được lợi nhuận rất lớn.
Thiết nghĩ, hệ thống ngân hàng đã và đang nỗ lực hết mình để cùng với các cấp, các ngành chung tay giải cứu thị trường BĐS. Song thị trường có được giải cứu hay không còn phụ thuộc vào việc các DN BĐS có chịu giảm giá bán về mức hợp lý hay không, chứ đừng “được voi, lại… đòi tiên”.
Minh Trí (Thời báo ngân hàng)
Nguồn: Nguồn từ Thời báo ngân hàng
Được voi lại đòi...
Hệ thống ngân hàng đã và đang nỗ lực hết mình để cùng với các cấp, các ngành chung tay giải cứu thị trường BĐS. Song thị trường có được giải cứu hay không còn phụ thuộc vào việc các DN BĐS có chịu giảm giá bán về mức hợp lý hay không, chứ đừng “được voi, lại… đòi tiên”.