Địa ốc khó vượt bão ngay năm nay
Ngày 28/2, tại cuộc họp mặt đầu năm do Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổ chức, hàng trăm doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị nhiều phương án hỗ trợ thị trường trong năm 2013. Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng cơ hội địa ốc vượt bão thành công trong năm Quý Tỵ là rất thấp.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu nhận xét: "2013 sẽ tiếp tục là năm khó khăn của ngành địa ốc. Mức độ đến đâu còn tùy thuộc vào việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ thị trường ra sao".
Theo ông Châu, Nghị quyết 02 cần nhanh chóng đi vào thực tiễn thì việc hỗ trợ thị trường bất động sản mới phát huy hiệu quả. Chuyên gia này cho rằng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ chuyển công năng, chia nhỏ căn hộ, giãn thuế, Chính phủ cần bơm ngay 20.000-40.000 tỷ đồng để thực hiện các khoản vay 500-600 triệu với lãi suất ưu đãi trong 20 năm. "Hiện nay doanh nghiệp chủ yếu phải tự cứu mình, cố xoay sở để giải quyết hàng tồn và nợ xấu vì các chính sách vẫn có độ trễ nhất định", ông Châu nói.
Thị trường bất động sản bị các chuyên gia dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2013. Ảnh: Vũ Lê
Trong khi đó, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực cho rằng, phân khúc căn hộ cao cấp tiếp tục có sức ì lớn. Ông phân tích: "Nhà giá cao sẽ tiếp tục trầm lắng và rất khó tìm thấy cơ hội vượt bão năm 2013. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này, nhà nhỏ giá rẻ may ra mới sống được".
Ông Đực nhấn mạnh, giá bán sẽ là yếu tố quyết định thị trường địa ốc năm 2013. Hiện nay, mức giá được thị trường chấp nhận và có giao dịch nhiều dao động từ 12-15 triệu đồng m2. Vì vậy, khi triển khai dự án, chủ đầu tư cần tính toán giá thành xây dựng không quá 5 triệu đồng mỗi m2.
Riêng Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend tỏ ra dè dặt khi dự báo về kịch bản thị trường bất động sản trong năm 2013. Ông Marc nhận định, bất động sản không còn là lĩnh vực ăn xổi ở thì mà cần hướng tới lâu dài. "Điều đầu tiên khi tham gia thị trường là phải có niềm tin nhưng khi lòng tin chưa trở lại, lãi suất còn cao chót vót thì mọi người chưa sẵn lòng mua", ông nói.
Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị các doanh nghiệp bất động sản và bộ ngành liên quan cần thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khảo sát kỹ lưỡng về nhu cầu và khả năng mua nhà của người dân. Tại các nước phát triển, bảng khảo sát rất chi tiết, không chỉ thể hiện nhu cầu và mong đợi của khách hàng mà còn hướng dẫn người dân cách thức tích lũy tài chính và làm những bước gì để mua được nhà. Trong khi đó, khâu này ở Việt Nam còn rất kém và chưa sâu sát thực tiễn.
Các doanh nghiệp địa ốc cho rằng chính sách chậm đi vào thực tiễn thì hậu quả ngành địa ốc phải gánh chịu càng lớn. Ảnh: Vũ Lê
Bà Hòa cũng nhấn mạnh đến việc cấp bách cần Chính phủ thúc đẩy nhanh như miễn thuế, giảm hoặc giãn thuế. "Doanh nghiệp có dự án đình trệ, hàng không bán được mà vẫn phải trả nợ hàng tháng thì tương lai của thị trường càng mù mịt hơn", bà nói.
Trước sự kêu ca về độ trễ của chính sách cũng như các gói hỗ trợ thị trường, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Văn Danh tiết lộ, đầu tháng 3, Sở sẽ báo cáo lộ trình và đề xuất về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 cho UBND TP HCM.
Phó giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, 3 bài tập khó cho bất động sản năm 2013 là giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và ổn định thị trường. Hiện nay hàng tồn kho không thể nào kiểm tra khảo sát hết nhưng đã tìm ra nguyên nhân và có giải pháp để xử lý.
Theo điều tra sơ bộ của Sở Xây dựng TP HCM, nhu cầu về nhà ở xã hội chiếm đến 60% thị trường. Vì vậy, thành phố sẽ điều chuyển dự án tồn kho từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Ngoài ra còn áp dụng thêm phương án điều chỉnh công năng các dự án chưa triển khai được phục vụ chương trình nhà ở xã hội.
Ông Danh cho hay từ năm 2006 đến nay Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở còn nhiều bất cập nên cần có những điều chỉnh. Vì vậy sắp tới thành phố sẽ tổng kết, lấy ý kiến của doanh nghiệp nhằm xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Nguồn: Nguồn tin từ Vnexpress.net
Địa ốc khó vượt bão ngay năm nay
Nợ xấu tăng cao, hàng tồn dồn ứ, lãi suất không ổn định cộng thêm chính sách có độ trễ quá lớn là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản tỏ ra bi quan về cơ hội vượt khủng hoảng trong năm 2013.