Ba làn gió mới trên thị trường bất động sản Việt Nam

Bùng nổ không gian làm việc chung, dịch vụ ở ké Airbnb hay căn hộ chia sẻ co-living kiểu Mỹ đang là những xu hướng mới trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Nguồn cung văn phòng làm việc chung sẽ tăng lên khoảng 15-16% trong tương lai gần

Không gian làm việc chung


Nguồn cung văn phòng truyền thống hạn chế đã thúc đẩy loại hình không gian linh hoạt và văn phòng chia sẻ phát triển nhanh hơn. TP.HCM hiện đang đứng thứ 4 ở Đông Nam Á về số lượng không gian văn phòng làm việc linh hoạt tính theo mét vuông.

Theo Công ty tư vấn bất động sản JLL, giá thuê văn phòng làm việc chia sẻ rẻ hơn giá thuê văn phòng truyền thống khoảng 5%, song đây không phải là tư duy ngay từ ban đầu với người đi thuê. Họ chọn nơi này là vì tạo được môi trường làm việc tích hợp với nhiều startup, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ năng động cùng làm việc để có thể hiểu hơn về ngành và về đối thủ cạnh tranh của họ.

Ở Việt Nam, hiện nay có thể điểm danh vài tên tuổi Indochina Capital, chủ sở hữu tòa nhà văn phòng hạng A Indochina Plaza Hà Nội đã đầu tư vào Toong, công ty coworking lớn nhất Việt Nam vào năm 2017. Toong cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với CapitaLand để phát triển không gian làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau. Son Kim Land đã khai thác không gian trong tòa nhà Empress Building với coworking đầu tiên của họ có tên gọi Empress Business Centre. Tập đoàn Trung Thủy, chủ nhân của tòa cao ốc Miss Ao Dai và Dreamplex Building cũng đã thành lập coworking Dreamplex.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho biết hiện tại các nhà đầu tư đang theo đuổi loại hình không gian làm việc chung theo 2 hình thức. Một là doanh nghiệp có đất và tự đầu tư xây dựng cũng như khai thác cho thuê. Hai là các các công ty lớn trên toàn cầu họ thuê lại văn phòng và vận hành nó như một không gian làm việc chung.

Điển hình như nhà điều hành văn phòng kiểu mới của Mỹ là WeWork đã nhắm đến một cao ốc có vị trí đắc địa tại quận 4 để kinh doanh mặt bằng cho thuê theo mô hình mới này. Các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường cũng như thăm dò khách thuê được WeWork tổ chức rầm rộ trong quý 3/2018.

Dù WeWork đang lỗ 100 triệu USD hàng năm, họ vẫn tiếp tục đầu tư vào mảnh đất đầy tiềm năng này. Chính vì sự gia nhập mạnh mẽ của các công ty đa quốc gia, JLL vẫn lạc quan rằng nguồn cung sẽ tăng lên khoảng 15-16% trong tương lai gần dù hiện tại chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng nguồn cung văn phòng toàn khu vực Đông Nam Á.

Dịch vụ ở ké trực tuyến Airbnb

Airbnb là một cái tên đang nổi lên ở mảng dịch vụ lưu trú. Với dịch vụ cho thuê nhà trực tuyến này, du khách có thể tìm kiếm một căn phòng hạng sang đến phòng nhỏ trong ngôi nhà người khác. Đối tượng thuê cũng khá đa dạng, từ khách lẻ đến theo nhóm hoặc gia đình.

Theo báo cáo thị trường khách sạn cao cấp và nghỉ dưỡng Việt Nam năm tài chính 2017 (tính đến tháng 3 hàng năm) do Grant Thornton công bố, mô hình lưu trú Airbnb mặc dù mới xuất hiện tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội không lâu nhưng đang có đà tăng trưởng vượt bậc. Nếu như trong năm 2016, dịch vụ này công bố có 6.500 căn hộ đang hoạt động thì đến năm 2017, nguồn cung của Airbnb vọt lên hơn 16.000 căn cũng hoạt động chủ yếu tại 2 địa bàn này.

Giá thuê khá cạnh tranh, rẻ hơn khách sạn và căn hộ dịch vụ nên được nhóm khách hàng này ưa chuộng. Thông tin từ các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm cho thuê theo mô hình trực tuyến này cho thấy, thường chủ nhà sẽ nhận 80-85% lợi tức, bên cung ứng dịch vụ nhận 15-20%.

Có 2 yếu tố chính hỗ trợ cho dịch vụ này phát triển mạnh. Đó là ượng căn hộ hoàn thiện tại TP.HCM đang rất lớn nên đàm phán thuê chung cư đầu tư mô hình này khá thuận tiện. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lượng du khách đến Việt Nam là một yếu tố nữa hứa hẹn thị trường cho thuê chỗ ở ngắn hạn sẽ tiếp tục phát triển.

Nhà ở chia sẻ co-living

Theo báo cáo gần đây của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, co-living đang tăng trưởng ở châu Á, đặc biệt ở các thị trường như HongKong và Trung Quốc, nơi mà nhà ở bình dân luôn là vấn đề nóng.

Thế hệ millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) ở châu Á ngày càng chia sẻ nhiều hơn ngoài nơi làm việc và phương tiện di chuyển. Họ sống cùng nhau trong một mô hình mới là co-living, nơi tập trung những người có cùng sở thích và lối sống. Ví dụ như, phòng ăn cũng chính là nơi làm việc và trò chuyện trong khi hành lang có thể đóng thêm một vai tró khác là nơi tập yoga. Họ không hẳn đam mê nấu nướng, và hướng tới một không gian có thể chứa tất cả các tiện nghi.

Trên thực tế, thương hiệu co-working WeWork đã ra mắt căn hộ co-living WeLive tại thành phố New York. Hay cuối năm ngoái, tập đoàn Ascott, thương hiệu kinh doanh căn hộ dịch vụ, đã ra mắt co-living mới với tên gọi là LYF, được thiết kế và quản lý bởi Millennials. Họ cũng hợp tác cùng Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) để thành lập mô hình dịch vụ đầu tiên ngay trong thành phố.

Trong khi đó tại Trung Quốc, mô hình co-living xuất hiện vào năm 2012 với thương hiệu YOU+ International Youth Community cùng một vài nhà điều hành khác. Đến cuối năm 2016, đã có gần 90 thương hiệu trên khắp đất nước.

Công ty nghiên cứu CBRE Việt Nam cũng dự báo rằng dòng sản phẩm mới co – living có thể tiếp cận thị trường Việt Nam trong một vài năm tới, nơi đang bùng nổ co - working (không gian làm việc chung).

Diệu Trang
Ba làn gió mới trên thị trường bất động sản Việt Nam Bùng nổ không gian làm việc chung, dịch vụ ở ké Airbnb hay căn hộ chia sẻ co-living kiểu Mỹ đang là những xu hướng mới trên thị trường bất động sản Việt Nam.